di tích cấp tỉnh: Lăng Quận Chúa và nhà thờ họ Phan Hoằng
Admin Xuan Thanh
2023-03-22T05:57:36-04:00
2023-03-22T05:57:36-04:00
https://xuanthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/thong-tin-du-lich/di-tich-cap-tinh-lang-quan-chua-va-nha-tho-ho-phan-hoang-111.html
https://xuanthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/uploads/news/2023_03/z4115722418296_b0192ab2c5858a78c1588f5b14ea19d7.jpg
Trang thông tin điện tử xã Xuân Thành - Huyện Yên Thành - Nghệ An
https://xuanthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/uploads/logo.jpg
Thứ tư - 15/02/2023 22:47
Lăng Quận Chúa và Nhà thờ họ Phan Hoằng nay thuộc xóm Đồng Xuân, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Di tích được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Địa danh hành chính đã có sự thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, cụ thể như sau:
- Thời Lê Trung Hưng (1533-1789) di tích thuộc thôn Chân Cảm, xã Quan Triều, Tổng Quan Triều, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An.
- Thời Tây Sơn (1789-1802): Di tích thuộc thôn Chân Cảm, xã Quan Triều, tổng Quan Triều, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An.
- Thời Nguyễn (1802 -1945):
+ Đầu thời Nguyễn, thôn Chân Cảm đổi tên thành làng Xuân Nguyên, di tích thuộc làng Xuân Nguyên, xã Quan Triều, tổng Quan Triều, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An.
+ Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), trấn Nghệ An tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, di tích thuộc làng Xuân Nguyên, xã Quan Triều, tổng Quan Triều, huyện Đông thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
+ Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), huyện Đông Thành được chia thành hai huyện Đông Thành và Yên Thành (theo chiều Đông – Tây). Di tích thuộc làng Xuân Nguyên, xã Quan Triều, tổng Quan Triều, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
+ Năm Thành Thái thứ 10 (1898), huyện Đông Thành và Yên Thành chia lại địa giới theo chiều Nam – Bắc, xã và tổng Quan Triều đổi tên thành xã và tổng Quan Hóa. Di tích thuộc làng Xuân Nguyên, xã Quan Hóa, tổng Quan Hóa, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945:
+ Năm 1945: theo chủ trương của nhà nước xóa bỏ cấp tổng và cấp phủ, làng Xuân Nguyên, Phúc Tăng, Long Hồi, Tích Phúc nhập lại thành xã Quan Hóa. Di tích thuộc xã Quan Hóa, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
+ Năm 1953, đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại, xã Quan Hóa tách thành hai xã: Xuân Thành và Tăng Thành. Di tích thuộc xã Xuân thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
+ Năm 1976, sáp nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Di tích thuộc xã Xuân thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ Tĩnh.
+ Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh cắt thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Di tích thuộc xã Xuân thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và ổn định cho đến nay.
Lăng Bà Chúa và Nhà thờ họ Phan Hoằng cách trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 61,8km về phía Tây Bắc, cách UBND huyện Yên Thành khoảng 2km về phía Tây Nam. Đến tham quan di tích du khách có thể đi bằng nhiều tuyến đường khác nhau, với các phương tiện đường bộ
Căn cứ kết quả nghiên cứu về di tích và các tài liệu ghi chép về lịch sử, nhân vật, sự kiện liên quan thì di tích Lăng Bà Chúa và Nhà thờ họ Phan Hoằng thuộc loại hình: Di tích lịch sử.
I. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH.
1. Vài nét về lịch sử dòng họ
Theo“Gia phả họ Phan Hoằng”, “Văn cúng làng Xuân Nguyên”, “Tục thờ thần và thần tích Nghệ An”, “Bản báo cáo bằng tiếng Pháp của Hội văn hóa dân gian Đông Dương”, “Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thành” và các tài liệu khác cho biết:
Họ Phan Hoằng có nguồn gốc từ họ Ngô, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Vào nửa cuối thế kỷ XVI, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Lê Mạc, nhân dân phiêu tán khắp nơi, ruộng đồng hoang hóa, xóm làng tiêu điều, bỏ phế, nhiều người phải tha phương cầu thực. Trong hoàn cảnh đó, thủy tổ họ Phan Hoằng là Ngô Tất Duyên - con trai thứ năm của Thái úy, Lai Quốc công Ngô Tất Dũng đã di cư từ thôn Lý Nhân, xã Lý Trai (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) đến vùng Đông Xã thuộc thôn Chân Cảm, xã Quan Triều. Nhận thấy vùng đất Chân Cảm (nay là xã Xuân Thành) có thể ổn định sinh sống nên ông đã dừng chân để sinh cơ lập nghiệp. Lịch sử xã Xuân Thành, huyện Yên Thành chép: “Tướng công Ngô Tất Duyên về Chân Cảm khai khẩn mở rộng diện tích đất vùng Đông xã”.
Sau một thời gian đến vùng đất này sinh sống, nhờ sự nhanh nhẹn, siêng năng, chăm chỉ mà Ngô Tất Duyên được Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung là con gái chúa Trịnh Tùng, vợ của Lai Quốc công Phan Công Tích quý mến và gả con gái cho.
Sau khi lập gia đình với bà Phan Thị Ngọc Thượng - con gái yêu của Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung, ông bà được thừa kế gia tài điền sản của Quận chúa. Theo gia phả dòng họ cho biết: tính từ đời ông Phan Hoằng Đào đến nay dòng họ đã tồn tại và phát triển hơn 300 năm. Phát huy truyền thống của cha ông, hậu duệ của dòng họ đã hăng hái tham gia tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tham gia các phong trào học tập, nghiên cứu. Hiện nay, dòng họ có 01 phó Giáo sư Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ cùng các kỹ sư, bác sĩ đã và đang làm việc, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
2. Nhân vật lịch sử
Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung
Theo các tài liệu như “gia phả họ Phan Hoằng”, “Hương ước làng Xuân Nguyên”, “Tục thờ thần và thần tích Nghệ An”, “Bản báo cáo bằng tiếng Pháp của Hội văn hóa dân gian Đông Dương” và nhiều tài liệu khác cho biết:
Trịnh Thị Ngọc Dung còn gọi là Ngọc Dong. Bà là con gái của chúa Trịnh Tùng, vợ của Lai Quốc Công Phan Công Tích. Sinh ra trong phủ chúa nên từ nhỏ Ngọc Dung được học hành đầy đủ lễ nghĩa phép tắc. Ngọc Dung không chỉ “sắc nước hương trời” mà còn là người rất thông minh, hiểu đạo lý.
Ngọc Dung được cha là chúa Trịnh Tùng gả cho Phan Công Tích, người ở làng Hào Cường, xã Thái Xá, tổng Quan Trung, huyện Đông Thành (nay là làng Hào Kiệt, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành). Phan Công Tích là một vị tướng tài giỏi, có nhiều công lao và ảnh hưởng đối với chính quyền Lê Trịnh. Bởi vậy, có một số ý kiến cho rằng việc chúa Trịnh Tùng gả con gái cho Phan Công Tích nhằm củng cố uy quyền của mình.
Sau khi lấy nhau, Ngọc Dung đã về vùng Chân Cảm (nay là xã Xuân Thành) sinh sống. Còn Phan Công Tích vẫn tiếp tục tham gia cuộc chiến chống nhà Mạc. Trong một lần giao tranh ở vùng núi Lưỡng Kiên Sơn, Phan Công Tích bị rơi vào kế giặc và hi sinh. Sau khi nhận được tin chồng mất, bà rất đau buồn. Nhưng bà đã nén thương đau, một mình nuôi con tiếp tục xây dựng cơ nghiệp ở làng Chân Cảm.
Cuối thế kỷ XVI, Chân Cảm cũng giống như bao vùng đất khác ở xứ nghệ, chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh Lê Mạc, nhân dân phiêu tán khắp nơi. Là con chúa vợ quan cùng với trí tuệ thông minh và những của cải của mình nên khi về Chân Cảm bà Ngọc Dung đã nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng, kêu gọi đinh tráng, nhân dân cùng chung tay để khai hoang trồng trọt, bỏ tiền giúp người dân ổn định cuộc sống. Khi xưa, trong vùng thường xuyên thiếu nguồn nước. Các nhánh dẫn dòng nước từ các nguồn lớn bị chặn dòng gây ảnh hưởng lớn cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Sau khi Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung mất, để ghi nhớ công lao của bà, nhân dân đã lập đền thờ phụng, gọi là Đền Bà Chúa Gám hay Đền Nhà Bà, hàng năm 4 giáp thuộc làng Chân Cảm (Giáp Bắc, Giáp Trung, Giáp Nam và Giáp Đông) hương khói, phụng thờ. Báo cáo bằng tiếng Pháp của Hội Văn hóa Dân gian Đông Dương chép: “Để tưởng nhớ bà sau khi qua đời, làng đã phong bà làm thần lập đền và thờ cúng”. Sau này, do sự biến thiên của lịch sử nên đền bị phá dỡ nhân dân trong vùng rước linh vị của bà về hợp tự tại Đền Gám. Hiện nay, vị trí thờ của Bà được đặt ở gian trái nhà Trung điện thuộc di tích cấp tỉnh Đền Gám, xã Xuân Thành. Còn địa điểm đất Đền Nhà Bà vẫn được giữ nguyên. Đến năm 2008, dòng họ Phan Hoằng đã di chuyển nhà thờ đến dựng ở vị trí hiện nay.
Theo các tài liệu cho biết: Bà mất ngày 18 tháng 12 ( không rõ năm), mộ táng tại xứ Hậu Nương Đông, làng Chân Cảm (nay là xóm Đồng Xuân, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
II.GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH
Giá trị lịch sử
Lăng Bà chúa và nhà thờ họ Phan Hoằng là nơi thờ phụng tiên tổ và hậu duệ của dòng họ, trong đó có những người có công với dân, với nước, có những đóng góp trong lịch sử dân tộc như Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung - người có công giúp dân khai khẩn, đào sông, đắp đập; Thọ Lộc hầu Phan Hoằng Đào có công bảo vệ ruộng đất cho dân, giúp người dân khai khẩn mở rộng diện tích canh tác
Giá trị văn hoá
Lăng Bà chúa và Nhà thờ họ Phan Hoằng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi cố kết tình cảm bền chặt của con cháu trong dòng tộc. Tại di tích, hàng năm xuyên diễn nhiều hoạt động của hậu duệ để tri ân tiên tổ như lễ tế tổ, lễ tế rằm tháng giêng, rằm tháng 7…đây là dịp để con cháu gần xa hội tụ nhằm tri ân tiên tổ và gặp gỡ thắt chặt tình đoàn kết. Thể hiện sự quan tâm của con cháu, trong việc tôn vinh và tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân với quê hương, dòng tộc, là một nét đẹp truyền thống thể hiện tinh thần “ăn quả nhớ người trồng cây” của bao thế hệ con cháu, góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống và phát huy bản sắc dân tộc.
Trải qua lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ khi Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung tạ thế đến nay nhưng Lăng mộ vẫn được Nhân dân và con cháu bảo vệ, chăm nom chu đáo. Điều đó đã cho thấy tầm ảnh hưởng không nhỏ của Quận chúa đến đời sống tâm linh của người dân địa phương.
Từ khi Lai quận công Phan Công Tích chồng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung mất đến nay đã gần 450 năm nhưng cứ vào ngày giỗ của ông tại đền Hào Kiệt, xã Bắc Thành (ngày 13 tháng 2 âm lịch) con cháu dòng họ Phan Hoằng vẫn bày biện cỗ lễ về tế tổ. Điều đó cho thấy truyền thống, ý thức và trách nhiệm của con cháu dòng họ luôn nhớ công ơn của tiên tổ.
Việc Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung được triều đình phong kiến ghi nhận và ban cấp sắc phong, nhân dân dựng Đền thợ phụng...đã chứng tỏ sự linh thiêng, tầm ảnh hưởng của bà không chỉ trong đời sống tâm linh của con cháu dòng họ mà còn ảnh hưởng lan tỏa trên cả vùng, địa phương đó; Đồng thời còn thể hiện giá trị của người phụ nữ đã được ghi nhận, tôn vinh, một nét đặc biệt trong xã hội phong kiến luôn tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Giá trị khoa học, thẩm mỹ
Lăng bà chúa và nhà thờ họ Phan Hoằng được xây dựng ở vị trí đẹp, quy mô các công trình vừa phải, đăng đối tạo nên sự hài hòa cho di tích. Việc lựa chọn vị trí, hướng, kết cấu kiến trúc... đòi hỏi các tri thức khoa học về phong thủy, về địa lý, về kiến trúc của những người xây dựng, nhằm mang lại vượng khí, phúc lộc cho con cháu dòng họ.
Di tích tọa lạc trong một không gian có cảnh quan thiên nhiên, cảnh vật hữu tình, lại có nhiều di tích có giá trị, nhiều loại hình như đền, chùa, nhà thờ...sẽ là địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan thưởng ngoại, phát triển các tuor du lịch tâm linh.
Nhà thờ đã tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất Xuân Nguyên. Thông qua các hiện vật tại di tích sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về phong cách thẩm mỹ của giai đoạn lịch sử đương thời, các nghệ nhân xưa đã tạo ra những mảng chạm tỉ mỉ
III.THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Theo gia phả và truyền ngôn của các cụ cao niên trong dòng họ cho biết: Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung sau khi mất được an táng tại xứ Hậu Nương Đông, làng Chân Cảm (nay là xóm Đồng Xuân, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Trải qua thời gian, mộ đã được nhân dân cùng con cháu tu bổ, bảo vệ và gìn giữ.
Sau khi Quận chúa mất đề ghi nhớ công ơn của bà, Nhân dân đã lập đền thờ phụng. Tại nhà thờ con cháu họ Phan Hoằng cũng lập 01 gian thờ để thờ bà. Vào khoảng năm 1955, đền thờ Quận chúa bị phá dỡ nhân dân rước bà về thờ tại đền Gám, còn con cháu vẫn tiếp tục thờ bà tại nhà thờ họ.
Nhà thờ họ Phan Hoằng được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng với 01 tòa, mái lợp tranh, đã trải qua nhiều lần tu tạo Năm 1914, con cháu góp công, góp của xây dựng thêm nhà Bái đường.
Đến năm 2008, nhà thờ họ Phan Hoằng đã được di dời về vị trí của Đền Quận chúa khi xưa, cách vị trí nhà thờ ban đầu khoảng 20m.
Hiện nay, di tích đang được con cháu dòng họ bảo vệ, gìn giữ, phát huy, thành lập Hội đồng gia tộc, ra quy chế hoạt động, chăm lo hương khói thường xuyên.
Lăng bà chúa và nhà thờ họ Phan Hoằng là công trình được xây dựng để thờ các vị tiên tổ và hậu duệ của dòng họ, trong đó có những người có công với dân, với nước. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như mộc phả, câu đối, long ngai bài vị, liên hoa…có giá trị về lịch sử cũng như văn hoá, khoa học, thẩm mỹ. Di tích đang lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc về vật thể và phi vật thể.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ như đã nêu trên, di tích Lăng bà chúa và nhà thờ họ Phan Hoằng, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đủ các tiêu chí theo Luật Di sản Văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá, được UBND ra Quyết Định số 112/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh: Lăng Quận Chúa và nhà thờ họ phan Hoằng.
Sau khi thống nhất giữa ban chỉ đạo huyện Yên Thành, ban tổ chức xã Xuân Thành và hội đồng gia tộc họp Phan Hoằng, quyết định lấy ngày 25/2/2023 tức ngày 6/2/ Qúy Mão tiến hành làm lễ rước bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng Quận Chúa và họ phan Hoằng. Vậy xin thông báo đến toàn thể nhân dân trong và ngoài xã được biết và tham dự.