TRỐNG TẾ - HỒN CỐT QUÊ HƯƠNG
Admin Xuan Thanh
2024-08-13T04:04:19-04:00
2024-08-13T04:04:19-04:00
https://xuanthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/thong-tin-du-lich/trong-te-hon-cot-que-huong-296.html
https://xuanthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/uploads/news/2024_08/z5501753961019_1c8f1e606a0bbd6ef17b2b4888f3fd43.jpg
Trang thông tin điện tử xã Xuân Thành - Huyện Yên Thành - Nghệ An
https://xuanthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/uploads/logo.jpg
Thứ ba - 13/08/2024 04:04
Nói đến huyện Yên Thành người ta không thể không nhắc đến nghệ thuật đánh trống tế bởi nơi đây trống tế là hồn cốt của làng xã, của mỗi dòng họ. Chẳng ai biết tiếng trống tế có tự bao giờ? Chỉ biết rằng, gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với các nghi thức tế Tổ tại nhà thờ họ mỗi dịp Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, ngày giổ Tổ âm vang tiếng trống trở thành sợi chỉ đỏ nối kết mạch nguồn thời gian, tâm thức các thế hệ người Việt, để lại trong tiềm thức mỗi người ấn tượng về giá trị tồn sinh, về ý thức nguồn cội. Dẫu đi xa, nhớ tiếng trống tế, giục giã thân tâm mình về với quê hương…
Chủ nhiệm CLB Lê Khắc Dinh đang truyền tải cách đánh trống cho các em nhỏ của xã
Xã Xuân Thành dòng họ nào cũng có đội nghi lễ, nhạc lễ phục phụ tế lễ. Trong những ngày tế Tổ, Đặc biệt trong những năm gần đây làng đã cử ra một đội quân “tinh nhuệ” (những người đánh trống, người xướng lễ, người đọc văn hay phục vụ lễ hội Đền - Chùa Gám vào dịp đầu xuân hàng năm và các ngày lễ của địa phương. Làng kẻ Gám là cái nôi của nghệ thuật đánh trống tế truyền thống bởi nơi đây là một trong những làng cổ của huyện nhà. Mỗi tập tục, nết ăn ở, sinh hoạt văn hóa làng xã có tự bao đời còn lưu giữ đến ngày nay trong đó phần nghi lễ tế Tổ,
tế Thần còn lưu giữ nguyên vẹn
Tiếng trống tế là thanh âm quan trọng bắt buộc phải có trong buổi tế lễ tại các nhà thờ họ. Song sử sách gần như không có ghi chép chính thức nào về cách đánh. Phương pháp duy nhất để tiếng trống truyền đời là ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm của cháu con với dòng tộc, cứ thế theo nếp ông cha chú bác, đến ngày tế lễ thì cứ nhìn, cứ nghe, cứ cầm dùi trống mà thực hành trực tiếp.
Trống tế có hai thể thức, gồm trống tế khai cuộc và trống tế lễ nghi:
Trống khai cuộc: thường được dùng đánh để mở màn cho một sự kiện (ví dụ như Hội làng, tế Thần, tế Tổ) hay đơn thuần là đánh để nghe và thưởng thức. Thể khai cuộc được cổ nhân dựa theo thể thơ thất ngôn bát cú mà phỏng tác. Được kết hợp nhuần nhuyễn với độ chính xác cao từ 4 nhạc cụ chính đó là : trống cái, trống con, nao và bạt.Trong đó người cầm trống cái là nhạc trưởng có nhiệm vụ điều tiết nhịp độ. Trống con, nao, bạt có nhiệm vụ giữ nhịp. Một bài trống hay được đánh giá theo độ ra vào, giữ nhịp chuẩn xác của toàn đội cùng với khả năng phô diễn bằng trắc (tùng, cắc) điêu luyện của người chỉ huy. Tạo nên âm sắc đặc biệt cho bài trống, Khi trầm khi bổng, Khi rộn ràng vui tươi, khi trầm hùng mạnh mẻ. Người cầm trống cái đạt trình độ cao sẽ tạo được nội dung cho bài trống khiến cho người nghe không những cảm nhận được cái hay từ âm thanh mà còn thấy được sự sâu sắc diệu vợi của bài trống đó.
Ấy nhưng, cũng vẫn đội trống với 1 trống cái, 2 trống con, 2 nao (xập xoáng), 1 bạt, 1 chiêng (bù rù), cũng giữ một nhịp đều 1234567, nhưng mỗi dòng họ, mỗi vùng quê lại vang thanh âm khác nhau. Sự khác nhau chủ yếu đến từ cách đặt trọng lượng dùi trống lên các phần mặt trống, tang trống; cách luyến láy hoà quyện của các nhạc cụ; sự hiểu ý của các thành viên trong đội… Nhưng tựu chung trống tế mỗi vùng đều mang rất nhiều màu sắc và ý nghĩa như trống được sử dụng cho các buổi tế lễ, nội dung bài trống sẽ thể hiện ý nghĩa trang nghiêm, kỉ luật, nề nếp và đoàn kết. trống được sử dụng trong các ngày hội làng, hội xuân bài trống sẻ thể hiện tính vui tươi rộn ràng mang sinh khí của mùa xuân với ý nghĩa phú quý tài lộc.’trống được sử dụng để biểu diễn nghệ thuật thì bài trống sẻ được biến tấu thể hiện được độ hoành tráng, nhiều cung bậc cảm xúc đặc sắc giống như một trận chiến thời nguyên thủy. Các âm thanh trong trận được mô phỏng một cách sống động như tiếng ngựa phi, tiếng trợ uy, tiếng binh khí, tiếng pháo gầm được thể hiện bằng kỉ thuật phức tạp của trống cái như lắc dùi, dồn âm, luyến mặt, rung, vê vv…
Trống cái là trống chủ đạo, nó như là một vị trướng cầm quân chỉ huy, trống con là trống giữ nhịp nó tượng trưng như đoàn quân diễu binh. Tất cả nhạc cụ trong đội đều phải nương theo lệnh trống cái và hòa theo nhịp trống con và ngược lại, thanh âm của trống con, nao, bạt, bù rù hoà điệu để tôn vinh cái hay của tiếng trống cái.
Nói đến nghệ thuật trống tế, cứ cho là có hàng vạn người đánh trống cái, nhưng khó ai giống ai, bởi nét đặc sắc kỳ diệu của tiếng trống cái nằm ở chỗ người đánh tạo thanh âm kết hợp từ tang trống và mặt trống. Mỗi người có một tính cách, tâm hồn riêng thì khi đánh trống tế cũng vậy. Có người thể hiện đầy tính nghiêm trang, chắc khỏe có người lại mềm mại uyển chuyển. Mỗi người có cách thể hiện đem cái hay riêng.
Cái khó của tiếng trống hay là đánh làm sao để thể hiện toát ra đúng tinh thần nội
dung của bài trống đó.
Trống tế lễ nghi: được sử dụng trong các sự kiện tế lễ, có nguyên tắc nghiêm ngặt
dùng làm hiệu lệnh điều khiển quá trình hành lễ, vừa là bản hòa tấu đệm cho đội hành lễ
thực hiện nhiệm vụ. Thể thức này đòi hỏi sự kết hợp chính xác cao từ khẩu lệnh của người
xướng âm đến hiệu lệnh trống và đội hành lễ sao cho buổi lễ được diễn ra nghiêm trang
long trọng và uy linh nhất có thể.
Ở huyện Yên Thành nói chung, xã Xuân Thành nói riêng, dường như dòng họ nào |
cũng có những thế hệ nối tiếp nhau giữ hồn trống tế. Đứa trẻ 4 tuổi, 10 tuổi đã cầm vững dùi trống, thiếu niên 13,15 tuổi đã biết đánh thành thạo, lứa thanh niên tuổi 18, 20 tiếng trống đánh ra đã nhuần nhuyễn, hấp dẫn lắm rồi.
Thế hệ trẻ ở Xuân Thành hôm nay còn nhắc tên cố Trấp, cố Long, cố Khả Hạ, cố Triêm, cố Ngự… những bậc thầy lão thành trong “nghệ thuật” trống tế, tâm huyết với tiếng trống linh thiêng. Thế hệ ấy, có người đã khuất núi, có người vẫn còn sống đầy đam mê với trống tế như cố Ngự, gần tuổi bách niên mà mỗi lần đến ngày tế lễ vẫn cầm dùi trống chắc nịch, vẫn đánh ra những thanh âm hào hùng vang dội, khiến người nghe như say, như mê, như chìm đắm vào muôn vàn cung bậc cảm xúc từ tiếng trống uy nghi. Trống tế được người dân các vùng quê xem như là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, mà ở đó, mọi người đều là nghệ sĩ. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều hiểu rằng hễ cứ đến ngày tế họ là sẽ được đánh trống. Ông truyền tay cha, cha truyền tay con, con truyền tay cháu… cứ thế, trong một buổi tế có hàng chục, hàng trăm hồi trống do nhiều người đánh, không phân biệt già, trẻ, mỗi người chuyển tải một nét riêng. Đặc biệt hơn cả, nếu như trước đây quan niệm phụ nữ không được bước vào nhà thờ tổ, thì nay, trước đổi thay của xã hội, nhận thức về bình đẳng giới có nhiều tiến bộ, thậm chí các chị em còn được gia nhập vào đội trống tế. Có những làng có đội trống nữ, thanh âm trống cái cũng hùng tráng chẳng kém cạnh gì đấng mày râu.
Tuyệt diệu của tiếng trống tế là vậy, dường như là thanh âm diệu kỳ, linh thiêng kết nối mạch nguồn quá khứ, hiện tại và tương lai; là chất keo kết dính tâm thức làng xã, tâm thức cội nguồn, tâm thức dòng tộc, để cháu con gần xa khi trở về luôn cảm nhận đầy ắp tình quê ấm áp.
Với những giá trị văn hóa phi vật thể mà ông cha ta đã để lại cho cháu con hôm nay và mai sau. Ngày 5 tháng 2 năm 2024. UBND huyện Yên Thành đã ra quyết định số 1630/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành về việc thành lập Câu lạc bộ trống tế xã Xuân Thành nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị nghệ thuật đặc biệt đó.
Hôm nay đây trong thời kỳ hội nhập, song hành cùng phát triển của đất nước, nghệ thuật trống tế luôn được bảo tồn gìn giữ và pháy huy. Đó là niềm tự hào rất lớn của mỗi người con được sinh ra trên quê lúa Yên Thành giàu truyền thống yêu nước và phong phú đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một nghi lễ thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với cội nguồn tiên tổ.
Câu lạc bộ trống tế xã Xuân Thành
Bài viết của Lê Khắc Dinh và Thái Duy Hiếu